Jazz và em
Published by MC under Imagine, Muzzic on 4.12.06“Em đã có anh trong em, em có anh trong sâu thẳm trái tim em. Em đã hy sinh mọi thứ để anh được anh gần bên. Mỗi khi em định làm điều gì đó, thì em nghĩ đến anh và nó khiến em dừng lại. Bởi vì em có anh trong em. Đây là một bản Jazz với điệu Swing rất tuyệt vời phải không anh? I've got u under my skin - Peggy Lee không phải là nữ ca sĩ duy nhất hát ca khúc này đâu, nhưng em thích cách thể hiện của bà ấy, anh có thích không?”
Tiếng cô bé cười hòa vào tiếng nhạc. Tôi đã cất tiếng nhưng dường như nó là một đoạn băng được thu từ trước. Một điều gì đó vui vui kỳ lạ dấy lên trong tôi. Không biết đó có phải là một cách làm quen hay không, nhưng nó thật sự đáng yêu! Lần đầu tiên tôi được nghe thứ âm nhạc kỳ lạ đến thế. Mà cũng có thể là người ta nhầm số. Nhưng rồi một tuần sau, lại vào một buổi tối khi tôi đang hoàn tất bản vẽ, tiếng điện thoại reo lên cho tôi biết người ta không nhầm số. Lại âm thanh của piano nhưng thật nhẹ nhàng và chậm rãi. Giọng hát đầy quyến rũ như đang kể về một mối tình nào đó, rồi vẫn giọng nói của em. Một niềm vui thật khó tả vây lấy tôi:
“Đây là bản September song – một bản cool Jazz rất ngọt ngào anh nhỉ! Em nghĩ là chỉ có Ella Fizgerald với giọng hát hiền hòa không quá u ám như Billy Holiday, cũng không thật điêu luyện như Sarah Vaughan mới thể hiện ca khúc này trữ tình như vậy. Một bài hát về tháng 9, về những mùa thu, anh chàng nhớ lại những ngày tháng bên cạnh người yêu và hối tiếc về trò chơi tình yêu của mình. Anh chàng này hư quá anh nhỉ! Mà bây giờ đang là cuối thu rồi, anh có thấy cây bạch đàn ngoài đầu ngõ trụi gần hết lá rồi không? Trông buồn buồn!"
Tôi bật cười, à vậy là em ở cùng phố với tôi. Cứ thế mỗi tuần tôi lại được nghe một bản nhạc Jazz, lại được nghe cái giọng lém lỉnh của em. Tôi bắt đầu đi tìm những CD nhạc Jazz, những nghệ sĩ mà em nói tới. Dường như có một hơi thở mới thổi vào tâm hồn vốn đã khô cằn của tôi. Giống như bản Blue moon mà có lần em cho tôi nghe."Vầng trăng buồn ơi, người thấy ta đứng đó một mình với trái tim không có một giấc mơ, không có một tình yêu nào cho riêng mình. Vầng trăng buồn ơi, người biết rằng ta ở đây để làm gì, người đã nghe thấy lời cầu nguyện của ta, một ai đó để ta có thể thực sự quan tâm, một ai đó ”. Bản nhạc với điệu Swing nhẹ nhàng qua giọng hát trầm ấm của Frank Sinatra.
Và rồi tôi cũng biết em là ai, cô bé ở căn hộ cạnh nhà tôi. Mái tóc dài qua vai, khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt em mở lớn nhìn tôi: “Chào anh, anh đã về”. Câu chào của em làm tôi buồn cười: “Chào em, tôi có biết em không nhỉ?”, “Chắc là không, nhưng anh biết những bản nhạc Jazz!”. Em nháy mắt tinh nghịch rồi chạy biến vào nhà, để lại tôi đứng tần ngần còn chưa hết ngạc nhịên. Cuộc sống của tôi như được vẽ thêm thật nhiều màu sắc mới. Tôi bớt tụ tập với bạn bè sau giờ học, thay vào đó ngồi trò chuyện cùng em ngoài sân, nghe em say sưa về Jazz. Không còn mãi dán mắt vào các cuốn Kiến Trúc, Nhà đẹp….mà lang thang đi tìm đĩa. Những cú điện thoại cùng những bản nhạc Jazz vẫn đều đặn vào những buổi tối mỗi tuần. Và buổi sáng tôi còn phải trả bài cho em rằng tôi cảm nhận được gì từ ca khúc tối qua, rằng tôi có thích không? Những buổi sáng không còn gật gù khi có em luôn dúi vào tay tôi thanh kẹo hay quả táo khi tôi vừa bước ra khỏi cổng Những buổi chiều trên khu phố không còn buồn tẻ như trước, nó rộn lên tiếng cười của em. Những buổi tối chẳng còn cô đơn vì luôn có những bản Jazz ngọt ngào. Tôi cũng không rõ cảm xúc của mình, tôi chỉ biết rằng tôi yêu cái khỏanh khắc được ở cạnh em, được nghe em trò chuyện, thỉnh thỏang nghe em hát khẽ, như bản Jazz Latin The girl from Ipenama . Nhìn em lắc lư nhịp nhàng thật đáng yêu. Bản nhạc với điệu Bossanova ngộ nghĩnh mà em rất thích. Chất giọng nhẹ tự hơi thở của Joan Gilberto và giản dị của Stan Getz cùng tiếng Saxo dập dìu đã cuốn hút tôi ngay từ lần đầu nghe. Nhưng có lẽ tôi thích nghe em hát hơn.
Một lần cũng vào buổi tối, tôi mệt nhoài ngả lưng xuống giường sau những buổi học thì một hồi chuông lại khiến tôi bật dậy. Giọng em hối hả bảo tôi hãy bật radio nghe. Và còn không quên dọa thêm rằng mai em sẽ kiểm tra xem tôi đã nghe được gì. Ôi trời, lại còn thế nữa, giờ này kiếm đâu ra cái radio cơ chứ, nhưng thật may là nó cũng từ đâu đó chui ra. Đấy là lần đầu tiên tôi nghe chương trình đó. Hôm đó CT làm về nhạc Jazz. Một cảm xúc hơi lạ với cách em hay nói trong điện thọai, nhưng cũng rất hay. Có lần tôi nghe được ca khúc What a wonderful world . Dường như chất Jazz trong nó không nhiều, chỉ còn như một bản nhạc Pop cổ điển. Nhưng với chất giọng khàn đặc trưng của Louis Armstrong thì cái hồn của Jazz vẫn được thổi vào đó: “Chúng ta hãy cùng đắp xây cho cuộc sống tươi đẹp hơn bởi tình yêu thương. Những hàng cây xanh, những bông hoa nở rộ, màu sắc cầu vồng rực rỡ sau cơn mưa, tiếng trẻ em khóc...Đó là một thế giớ thật tuyệt vời!”
Tôi cũng cảm thấy như mình đang sống trong một thế giớ tuyệt vời, một thế giới có những ước mơ và hoài bão, có Jazz và...có em. Một cảm giác thật hạnh phúc khi được quan tâm, được lắng nghe. Nhưng tôi không biết cách nào cho em biết điều đó, tôi vẫn lặng im như tôi vẫn thường lặng im. Một buổi tối nào đó, em cho tôi nghe một bản Jazz thật buồn, thật sâu lắng bắt đầu với tiếng control pass gõ nhịp, âm thanh guitar nhập nhùng. Giọng hát trầm buồn ngân lên như một lời than trách và giọng em cũng như đang trách:
“Giờ đây anh bảo rằng anh đang cô đơn, anh đã khóc suốt đêm dài. Em nhớ tất cả những gì anh đã nói, anh bảo tình yêu là một thứ tầm thường, rằng anh đã chán ngấy em. Vậy mà giờ đây anh lại nói anh yêu em, hãy chứng minh đi. Hãy cứ làm em khóc vì anh đi, khóc như một dòng sông". Em rất thích nghe bài hát này với giọng hát của Julie London. Nghẹn ngào, khắc khỏai”
Buổi chiều hôm sau đó, tôi làm mặt nghiêm và bảo em rằng "tôi có bảo rằng tình yêu là một thứ tầm thường đâu? Tôi có bảo rằng tôi chán ngấy em đâu?” Em nhíu mày và cười buồn:"Nhưng anh cũng có bảo rằng anh yêu em đâu?”. Tôi cười, vẫn cười như một thằng khờ, khờ khạo đến nỗi chẳng hiểu gì tình cảm của em. Những điều em tiết lộ làm tôi ngạc nhiên. Rằng em thích nhìn thấy tôi hối hả xách bảng vẽ chạy ra khỏi nhà vào buổi sáng, thích cái cách tôi chơi bóng rổ ngoài sân vào những buổi chiều, thích ngắm khuôn mặt tôi lúc tôi vẽ. Tôi đã dành một buổi vẽ em vì em muốn thế. Một buổi vẽ mà người mẫu nhìn họa sĩ nhiều hơn. Tôi cũng không nhớ rõ đã vẽ em thế nào, chỉ nhớ rằng em rất thích và bảo sẽ treo nó ở nhà bếp! Tiếng piano đầy ngẫu hứng thật cuốn hút, giọng hát gần như ồm ồm mà lúc đầu tôi không thể phân biệt dược là nam hay nữ khiến tôi nghĩ đến những lời dò hỏi:
“Hãy nói đi, anh yêu em hay rời bỏ em và để em lại một mình . Anh không tin em, nhưng em chỉ yêu mình anh. Em thà cô đơn còn hơn vui vẻ bên một người khác. Em muốn tình yêu của anh, nhưng xin đừng bao giờ cho mượn. Vì em sợ rằng hôm nay có nó thì mai lại phải trả lại cho anh” (--->)
Tôi cũng vẫn chẳng nói gì, chỉ bảo rằng giọng Nina Simone thật ấn tượng! Em cười, tôi cười, lại cười ngốc nghếch mà không biết rằng tôi sắp mất em.Và buổi sáng đó, tôi sang nhà tìm em, tấm biển treo “nhà bán” đập vào mắt khiến tôi sững sờ, tim tôi đập nhanh với nỗi lo sợ bủa vây. Tôi gọi cửa thật to và nhìn lại nhiều lần để chắc là mình không nhầm nhà. Bác hàng xóm ló đầu ra cho tôi biết là :"cô bé nhà này bị bệnh phải ra nước ngoài mổ. Có thể họ sẽ không trở về nữa”. Có thể ư? Tôi thì biết chắc rằng tôi mất em thật rồi. Một cái gì đó cứa vào tim, đau đớn! Tôi vẫn đứng đó như chờ đợi điều vô vọng là em sẽ quay trở lại. Một buổi tối mùa thu như một năm về trước, tiếng chuông điện thoại reo, một điệu Jazz buồn đến não lòng, giọng cô ca sĩ trong trẻo nhưng rã rời, tiếng violon nhè nhẹ hòa cùng tiếng piano dịu dàng thổn thức.
"Everytime we say goodbye của Silje Nergaard, anh có biết ca khúc này nói gì không? Cô gái nói với người yêu rằng :"mỗi lần chúng ta chia tay là mỗi lần tâm hồn em chết đi một chút”. Còn nếu chúng ta chia tay nhau mãi mãi thì sao?". Thì sao? Thì sao ư?
Hai ngày sau tôi nhận được một bưu phẩm là một cuộn giấy – bức tranh tôi vẽ em, với dòng chữ ở cuối “Khi vẽ người họa sĩ phải đặt tâm hồn của mình vào đó thì tác phẩm mới là một tuyệt tác. Bức vẽ này rất đẹp nhưng thật đáng tiếc là lại không có tâm hồn anh ở đó, không có trái tim của anh nơi đó. Vì vậy em xin trả nó lại cho anh". Em đến vào một mùa thu rồi ra đi cũng vào một mùa thu, như một cơn gió chỉ thoảng qua nhưng để lại phía sau đầy lá rụng. Một mình tôi, chỉ một mình tôi lang thang trên con đường đầy lá cây bạch đàn. Nghe thoáng trong gió giọng hát buồn da diết của Frank Sinatra với bản If u go away. Tôi đã sửa lại bức vẽ, hình dung ra em theo trí nhớ của mình. Chân dung không phải một cô người mẫu xinh đẹp nào đó, mà là em, nụ cười luôn tỏa sáng trong nắng mùa thu. Em đã ra đi, rời xa tôi mãi mãi mà sẽ không bao giờ biết rằng tôi đã đặt cả tâm hồn, cả trái tim mình vào một ngày mùa thu khi lần đầu tiên nghe thấy giọng nói của em...
(NCKBH Tháng 9-2004)